Nhiều chiêu trò lừa đảo mới đang xuất hiện trên ứng dụng Telegram - 1 trong những ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất trên thế giới, cũng là 1 hệ sinh thái dung túng cho tội phạm mạng hàng đầu thế giới.
Nhiều chiêu trò lừa đảo mới đang xuất hiện trên ứng dụng Telegram - 1 trong những ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất trên thế giới, cũng là 1 hệ sinh thái dung túng cho tội phạm mạng hàng đầu thế giới.
Gần đây, tuyển CTV thu âm giọng nói xuất hiện liên tục trên trang mạng xã hội Facebook, kênh YouTube, review phim. Lướt đâu cũng "đụng" tuyển giọng đọc, từ bản tin tới clip mời chào.
"Giọng nói hay là tiền về tay, thu nhập từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một trang đọc thu âm, lồng tiếng. Ai quan tâm, inbox để được tư vấn nhanh chóng" - một trong số hàng trăm tin được rao trên trang chủ Facebook cá nhân.
Chúng tôi thử bấm vào đăng ký tuyển dụng, ngay lập tức có tin nhắn gửi vào hộp thoại. Nội dung gồm sáu yêu cầu cơ bản cho CTV thu âm, đọc văn bản, tiểu thuyết online tại nhà. Nếu đồng ý thì cung cấp thông tin cá nhân và nguyện vọng khi đến với công việc.
Sau khi đồng ý, tin nhắn gửi số Zalo, nhân viên tư vấn Mai Đào, mã ứng viên và yêu cầu chúng tôi kết bạn để được tư vấn chi tiết. Trong Zalo, Mai Đào gửi một đoạn văn bản, yêu cầu đọc ghi âm rồi gửi file để kiểm tra giọng.
Kết luận giọng đọc đạt, Mai Đào yêu cầu cung cấp một loạt thông tin cá nhân: Họ tên, năm sinh, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ, tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chủ tài khoản và mã ứng viên, đồng thời thuyết phục "cung cấp thông tin để làm hồ sơ tuyển dụng và thanh toán lương mỗi ngày nếu sản phẩm được đăng tải".
Hỏi sản phẩm thu âm sẽ được đăng tải ở đâu, trên web hay mạng xã hội nào? Người này trả lời: "Sản phẩm sẽ được công ty giữ bí mật, sau khi duyệt mới đăng tải trên web công ty".
Hỏi đường link web của công ty là gì, cô ta im lặng, vài ngày sau thì khóa tài khoản. Hộp thoại Facebook cũng được đổi tên thành "Tuyển giọng hát nhí" thay tên "Tuyển giọng đọc" trước đây.
Ngày 25-4-2023, nạn nhân Minh Tâm đăng cảnh báo lên trang "Chống lừa đảo online" cho biết đã bị lừa 50 triệu đồng khi đăng ký tuyển CTV thu âm, lồng tiếng tại nhà. Các bước mời chào, dẫn dụ nạn nhân y hệt như đã chúng tôi đã gặp, tin nhắn được copy không sai một chữ.
Từ mã số ứng viên, đoạn văn bản thử giọng, cung cấp thông tin cá nhân, tham gia nhóm Telegram đóng tiền mua đơn hàng, Tâm cũng rơi vào tình trạng bị thao túng tâm lý, đóng tiền nhưng không thể nào lấy lại.
Trước đó, nạn nhân N.T.N., ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã gửi đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng báo mất 102 triệu đồng vì ứng tuyển làm thêm thu âm, lồng tiếng online.
Sau các bước bị dẫn dụ nạp tiền mua đơn hàng, nạp để lấy lại tiền, nạp để khắc phục sai sót mà không phải lỗi do mình, chị N. đã mất số tiền lớn mà chị phải vay bạn bè mới có được.
Kẻ lừa đảo “cho vay tiền” sau khi chửi bậy đã thoát nick, đóng giao dịch - Ảnh TÂM LÊ
Sau hai tháng bị lừa mất số tiền gần 100 triệu đồng, ngày 31-5-2023, N.T.T., ở quận Tây Hồ, Hà Nội, bỗng bị gọi điện đòi nợ 15 triệu đồng đã vay trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng đe dọa, nếu cô không trả sẽ bị bóc phốt lên các trang mạng xã hội.
Vì quá lo lắng, cô nghĩ phải tìm cách vay tiền nạp tiếp để khỏi bị nhóm lừa đảo khủng bố tinh thần. Biết được tin, chúng tôi vội ngăn T. nạp tiền, để hỏi rõ khoản vay.
Cô cho biết: "Ngày bị lừa nạp tiền làm nhiệm vụ, do không đủ tiền nạp nên một thành viên trong nhóm Telegram nhắn tin riêng cho tôi vay 15 triệu đồng. Vì tiền nạp vào không rút ra được, mất hết nên không còn tiền trả. Chúng nghĩ bây giờ tôi có tiền rồi nên lại gọi điện đòi tiếp".
Trường hợp của T. giống thông tin các nạn nhân đăng trên trang "Cảnh báo lừa đảo trên mạng". Chiêu trò cho nạn nhân vay để dẫn dụ nạp thêm tiền, ràng buộc khoản vay khiến nạn nhân nghĩ bị mắc nợ thật.
"Người cho vay thực ra là người của nhóm lừa đảo cài cắm trong Telegram, ai làm nhiệm vụ mà thiếu tiền chúng liền nhắn tin cho vay. Khi đồng ý vay, tiền không về tài khoản của mình mà chúng nạp luôn vào nhiệm vụ, chỉ gửi bưu chuyển khoản bắt mình phải trả lại sau đó", một nạn nhân đăng cảnh báo.
Tâm lý muốn nạp thêm để lấy lại tiền, nạn nhân càng tìm cách để vay nạp. Vay bạn bè, người thân, vay nặng lãi, và giờ có khoản vay sẵn ai lại từ chối? Đồng ý nạp, nạn nhân tiếp tục rơi vào bẫy mà không hay biết.
Chúng tôi khuyên T. nên nhắn tin với kẻ đòi nợ: "Tôi nghi ngờ anh chị cũng là thành viên của nhóm lừa đảo, cùng hội cùng thuyền, yêu cầu cùng ra công an giải quyết". Cô vừa gửi tin thì nhận được phản hồi, kẻ đòi nợ chửi tục rồi tự thoát nick, chặn cuộc gọi.
Một tháng trôi qua, T. không còn bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ lần nào. Trường hợp của T. cũng giống như trường hợp nạn nhân T.H. ở Đắk Lắk. Nghe chúng tôi hướng dẫn, chị đã thoát khỏi khoản nợ 60 triệu đồng của nhóm lừa đảo cho vay vào chiều 2-8-2023.
Mới đây, Telegram vừa bị tạp chí bảo mật CPO magazine đánh giá là "một Dark Web kiểu mới" và là "một hệ sinh thái tội phạm mạng trên ứng dụng nhắn tin".
Vì các tính năng như độ tiếp cận rộng rãi người dùng phổ thông, sự ẩn danh và cơ chế phân tán dữ liệu, mã hóa đầu cuối khiến Telegram trở thành môi trường hoạt động yêu thích của tội phạm mạng.
Biết nạn nhân muốn lấy lại tiền, kẻ lừa đảo lại giả danh Cục An ninh mạng, kỹ sư công nghệ cao để tiếp tục lừa đảo nạn nhân.
Tiếp cận "con mồi" qua Facebook, Zalo, TikTok hay cả số điện thoại. Nhưng khi trao đổi, những kẻ lừa đảo thường thuyết phục nạn nhân tải ứng dụng Telegram, đăng ký và khai báo số điện thoại đã đăng ký Telegram để bọn chúng đưa vào nhóm làm việc. Với lý do đây là ứng dụng hàng đầu thế giới nên rất an toàn. Các nạn nhân đều cho biết cứ vào nhóm Telegram thì xác định 100% là bị lừa.
Một người quen của chúng tôi mới đây kể mẹ của chị ở Lâm Đồng vừa bị lừa tiền tỉ chỉ vì tham gia đăng ký nhận quà hè trên Facebook. Cụ thể, sau khi đăng ký trang "Quà Tặng Yody" trên Facebook, mẹ của chị được yêu cầu cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để được cấp "phiếu xác nhận quà tặng".
Ban đầu, các đối tượng dụ dỗ mẹ chị đóng số tiền nhỏ, từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng để nhận quà bằng tiền mặt gấp nhiều lần, sau đó tăng lên 230 triệu đồng để được nhận tới 1 tỉ đồng. Thấy bà dễ tin, bọn lừa đảo nâng cấp mẹ chị lên gói VIP và lấy của bà hơn 2 tỉ đồng rồi đưa bà ra khỏi nhóm chat. Tất cả đều được trao đổi qua Telegram và nạn nhân gần như không biết một thông tin nào của nhóm lừa đảo, ngoại trừ biên lai chuyển tiền.
Bà T.Th.Ph (46 tuổi, quê Đồng Nai) bị lừa bằng hình thức tương tự như trên và mất 385 triệu đồng. Hoang mang với khoản tiền lớn dành dụm bao năm có nguy cơ bị mất trắng, bà lên Facebook hỏi cách lấy lại tiền. Vài phút sau, một tài khoản có tên "Chong Lua Dao Mang" nhắn tin hỏi thăm và ngỏ ý muốn giúp bà Ph. lấy lại khoản tiền vừa bị lừa. Tài khoản này cho biết nhóm Chống lừa đảo của mình hoạt động toàn quốc và có liên kết với ngân hàng nên khả năng chặn được khoản tiền bà đã chuyển và sẽ trả lại khi bà chứng minh được đó là tiền mình chuyển.
Tin lời, bà Ph. lại được đưa vào nhóm "Truy tien lua dao" trên Telegram với hàng trăm thành viên. Vào đó bà mới biết nhiều người bị lừa hàng tỉ đồng và có người đã lấy lại được tiền. "Nhận được tiền họ đăng vào nhóm rồi chúc mừng nhau rất vui. Tôi cũng tin và nghĩ đây là nhóm uy tín vì thấy có chứng nhận của Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước" - bà Ph. nói.
Vài ngày sau, bà Ph. nhận được thông báo là nhóm đã chặn được khoản tiền của bà kèm thông báo có đóng mộc của ngân hàng mà bà Ph. đã chuyển tiền vào. Để "hồi tố" được khoản tiền 385 triệu này, bà Ph. phải đóng nhiều chi phí, nếu muốn nhận nhanh thì phải chi 100 triệu đồng, còn chậm thì 80 triệu đồng. Không nghi ngờ và muốn lấy nhanh, bà Ph. lại rơi vào bẫy của nhóm giả danh chống lừa đảo khi mất trắng thêm 100 triệu đồng nữa.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, hình thức này khá phổ biến và nhiều nạn nhân sập bẫy vì những khoản hoa hồng "trên trời rơi xuống". Nhiều doanh nghiệp như Tiki, Shopee, Lazada, Thế Giới Di Động, Điền Quân... và các thương hiệu thời trang như Yody, Elise… đã phải lên tiếng cảnh báo người dùng vì họ bị mạo danh để lừa đảo việc làm, nhận quà tặng,…
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, hình thức phổ biến nhất được các đối tượng lừa đảo sử dụng hiện nay là tạo ra những quảng cáo giả mạo trên các nền tảng Google, Facebook để dẫn dụ nạn nhân truy cập vào đường dẫn đến các hội nhóm trên Telegram.
Trên Telegram có hẳn "thư viện" lừa đảo với rất nhiều clip ảo, nick ảo và kịch bản thiết lập sẵn. Các nick ảo hay "chim mồi" sẽ phối hợp với nhau tạo nên không khí sôi động trong các nhóm đầu tư hay nhóm cộng tác viên nhằm khiến người dùng tin rằng mình đang đầu tư hoặc làm công việc chính thống, rõ ràng và đầy tiềm năng. Đây cũng là cách mà những kẻ lừa đảo dùng để "thao túng tâm lý" người dùng khiến họ dễ bị cuốn theo, bị lừa mất tiền, có người còn bị lừa tình, tống tình.
Tin nhắn lừa đảo, dụ dỗ trên các hội nhóm Telegram. Ảnh chụp màn hình
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam, cho biết Telegram là một trong các ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất trên thế giới với hơn 700 triệu người dùng. Ứng dụng này cho phép người dùng ẩn danh và dễ dàng tạo nhóm không giới hạn thành viên, chuyển file hình ảnh, video nhanh chóng.
Hơn nữa, Telegram có khả năng thu hồi tin nhắn, xóa tin nhắn và xóa cả nhóm, mà khi xóa là sẽ biến mất hoàn toàn trên tất cả các thiết bị liên quan nên các đối tượng lừa đảo dễ dàng xóa mọi dấu vết phạm tội. Đặc điểm này khiến những đối tượng xấu rất thích dùng Telegram để thực hiện hành vi lừa đảo. Điều đặc biệt nữa là ứng dụng này cho phép quản trị nhóm phân nhóm cấp quản lý, tạo ra nhiều chatbox tự động để trả lời kịp thời cho "con mồi". Tất cả dữ liệu đều nằm trên máy chủ đặt ở nước ngoài nên cơ quan chức năng rất khó truy vết những kẻ lừa đảo.
"Theo tôi, cần phải yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ nhắn tin OTP như Telegram, Viber… định danh tài khoản. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm bảo vệ và cung cấp dữ liệu khi cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu để làm rõ những hành vi lợi dụng ứng dụng này để lừa đảo" - ông Sơn đề xuất.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có rất nhiều hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua không gian mạng. Phổ biến nhất là giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện dọa, lừa đảo; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo; cho số đánh lô đề; đánh cắp mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; du lịch giá rẻ; dịch vụ lấy lại Facebook, lấy lại tiền khi đã bị lừa; cuộc gọi video giả dạng (deepfake); giả biên lai chuyển tiền thành công; "khóa sim" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; tuyển dụng công tác viên online; mạo danh thương hiệu uy tín để lừa đảo; phát tán tin nhắn giả dạng thương hiệu; giả mạo các trang web cơ quan, doanh nghiệp; tuyển người mẫu nhí...
Anh L.Đ.Th (28 tuổi, quê Hải Phòng) kể sau gần 10 ngày lên một công ty ở Hà Nội đăng ký ra nước ngoài làm việc, anh nhận được điện thoại của một người đàn ông cho biết muốn anh Th. đừng phí tiền đi nước ngoài làm việc mà nên dùng tiền đó đầu tư vào hãng tàu "WANHAI" trên app "WH SHIPPING". Người đàn ông đó liên tục gọi điện đốc thúc anh Th. nộp tiền vào để anh ta phân bổ, nhân nhanh số tiền lên nhiều lần, mỗi tháng có thể kiếm được ít nhất 100 triệu đồng mà không phải làm gì, không phải vất vả ra nước ngoài làm việc.
"Anh ta kêu tôi tải app đầu tư các hãng tàu lớn. Cứ bỏ tiền vào là tiền cứ tăng liên tục. Anh ta cứ nói hôm nay có cơ hội nhân nhiều lần số tiền mà không tham gia uổng quá. Ban đầu tôi trì hoãn vì không đủ tiền nhưng thực ra tôi đã cảnh giác rồi vì biết chắc chẳng có khoản đầu tư nào siêu lợi nhuận cả. Khi tôi từ chối, anh ấy đã lớn tiếng, lộ rõ bộ mặt kẻ lừa đảo" - anh Th. bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8
Kỳ tới: Tiền chảy qua ngân hàng, chặn được không?