Chợ Ông Bầu Cao Lãnh

Chợ Ông Bầu Cao Lãnh

Năm Canh Thìn (1820), địa phương này xảy ra dịch tả rất nghiêm trọng làm nhiều người chết. Tại thôn Mỹ Trà, đồng bào bị mắc bệnh dịch tả chết rất nhiều. Ngày nào cũng có 5-7 người chết, có nhiều gia đình chết gần hết.

Năm Canh Thìn (1820), địa phương này xảy ra dịch tả rất nghiêm trọng làm nhiều người chết. Tại thôn Mỹ Trà, đồng bào bị mắc bệnh dịch tả chết rất nhiều. Ngày nào cũng có 5-7 người chết, có nhiều gia đình chết gần hết.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường tại đường Lê Lợi, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Về thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nhắc đến ông, bà chủ chợ Cao Lãnh ai ai cũng sẽ nhớ ngay đến ông, bà Đỗ Công Tường với lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc. Với người làm nghề kinh doanh, mua bán lại càng tôn trọng, ngưỡng mộ hơn vì họ luôn tin rằng sự buôn may, bán đắt, gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt chính là nhờ sự hộ trì của vợ chồng ông bà.

Bà Ngô Thị Phụng, ở thành phố Cao Lãnh, tâm sự: "Ông bà với cha mẹ kể lại cho nghe, hồi đó, người ta bị bệnh dịch tả mất. Ông bà mới vái nói là nếu mà hy sinh được cứu dân thì ông bà sẵn sàng hy sinh 2 người. Ngày trước ông mất, ngày sau tới bà mất. Từ đó, người ta lập đền thờ, người ta thờ tới giờ luôn, 200 năm. Tin lắm, lại xin cầu nguyện cái gì xin ông, bà linh lắm"

Còn chị Nguyễn Thùy Trang ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kể: "Hồi nhỏ tới giờ khi mà chị mười mấy tuổi, chị không biết vô chùa để làm gì, cuối cùng xuống ông bà xin đi học hoặc là xin đi học nghề. Nếu mà quẻ xăm nói được là được, còn không là không được. Cái gì mà buồn bực trong người, thật sự con không thẹn với lòng, không làm gì sai, ông bà hãy giúp con gỡ rối, thì có đó".

Theo sử sách ghi lại, ông Đỗ Công Tường người gốc miền Trung, theo gia đình di cư vào Nam thời các chúa Nguyễn. Cha ông tên Đỗ Văn Văn, vốn dòng dõi Nho gia vào Nam ở tại Rạch Chanh. Hồi đó, đất Rạch Chanh còn hoang địa, người ở rất ít, đồng ruộng toàn đưng và lát mọc dầy đặc, lại thêm có khu rừng “Sáu Vỏ” âm u.

Ông Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà dưới thời vua Gia Long. Nhờ chăm chỉ, cần cù khai khẩn đất hoang, ươm trồng vườn tược, không bao lâu sau, ông bà đã trở nên dư ăn từ huê lợi của khu vườn quýt. Vườn quýt của ông bà là nơi rộng rãi, mát mẻ, lại thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên dân trong thôn thường nhóm họp ở đây để mua bán, lần hồi thành chợ.

Vốn sẵn tánh tốt, hay giúp đỡ bà con chòm xóm, ông bà bàn nhau che cất lều quán bằng tre lá nơi vườn quýt cho bà con có chỗ mua bán không lo mưa nắng. Lần hồi, các tiệm bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho nơi đây ngày càng thêm tấp nập hình thành nên khu chợ Vườn Quýt. Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ ông bà.

Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách, nên thôn dân cử ông giữ chức Câu đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt, cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh.